LƯU QUANG VŨ – NHÀ VIẾT KỊCH ĐƯỢC ĐÔNG ĐẢO CÔNG CHÚNG YÊU MẾN

Những năm cuối đời, Lưu Quang Vũ được đông đảo công chúng mến mộ với tư cách nhà viết kịch. Sự cống hiến của anh cho sân khấu đáng được ghi nhận. Nhưng đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian. Hình như Lưu Quang Vũ cũng nhận ra điều đó. Anh nói với nhiều bạn bè rằng anh thích được làm thơ hơn cả viết kịch lẫn viết truyện, rằng thành công của thơ thường mang cho anh niềm vui lâu hơn dù nhuận bút tiêu có chóng hết hơn. Cố nhiên với Lưu Quang Vũ hay với chúng ta, không có sự khinh trọng giữa các loại hình nghệ THUẬT. Ở đây chỉ muốn nói tới cái tạng của anh. Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài, sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về kịch.

Anh mất sớm nhưng với thơ, anh đã có hơn hai mươi năm sáng tác. Anh đã kịp đặt tên cho mười hai tập thơ, trong đó nhiều tập đã hoàn chỉnh: Cỏ tóc tiên, Hương cây, Mây trắng của đời tôi, Cuốn sách xếp lầm trang… Hương cây đã in năm 1968 và Mây trắng của đời tôi thì vừa ấn hành. Các tập khác đang sắp xếp dở dang và cũng cần viết bổ sung, trong dự định có một tập thơ tình yêu Tin ở hoa hồng, một Trường ca tám chương. Rõ ràng, Lưu Quang Vũ đang nhiều trù liệu cho thơ. Ðọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người, và làm thơ để sống với riêng mình.

Một buổi chiều sau ngày anh mất được nửa năm – đã nửa năm – tôi tới thăm gia đình anh và đọc những tập thơ, bài thơ chép tay của anh. Lưu Quang Vũ còn nhiều bài chưa đăng quá! Gần như cả tập Cuốn sách xếp lầm trang, hai mươi hai bài, đều chưa đăng cả. Mà đây là một tập hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ. Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà BẠN BÈ CÒN ÍT BIẾT TỚI. Ở ĐÂY ANH CÔ ĐƠN HƠN, CAY ĐẮNG HƠN VÀ NHIỀU Ý NGHĨ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái – chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì mà nó đang sống.

Ðể thấy rõ lộ trình thơ của Lưu Quang Vũ, tốt nhất chúng ta đọc anh theo thứ tự thời gian. Lưu Quang Vũ làm thơ khá sớm. Cha và chú ruột đều là nhà thơ, chắc anh đã có các bài viết từ thuở thiếu niên. Năm hai mươi tuổi anh đã cùng Bằng Việt xuất bản tập THƠ ĐẦU TAY TRONG ĐÓ CÓ NHỮNG BÀI ANH VIẾT TỪ NĂM MƯỜI BẨY TUỔI. Ở TẬP HƯƠNG CÂY này rồi tập Cỏ tóc tiên (chưa in) và một ít bài sau này đưa vào tập Mây trắng của đời tôi, Lưu Quang Vũ có cái tươi tắn chung của những người làm thơ trẻ hồi ấy. Cũng một cách nhìn đời hồn hậu, lạc quan, quay phía nào cũng thấy sự hài hòa ưu ái.

Lúc này Lưu Quang Vũ đã rời ghế nhà trường vào bộ đội, anh bộ đội này khá nhiều mơ mộng, mỗi thước đường hành quân, mỗi làng mạc đi qua gợi lên trong anh bao cảm xúc rưng rưng về Tổ quốc về nhân dân. Những cảm xúc còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường thiêng liêng, trong trẻo, đầy tin cậy.

Anh tin rằng, trong cuộc đời này, khi một tiếng gọi cất lên thì bao giờ cũng có tiếng thưa, không tiếng gọi nào lại rơi vào im lặng đáng sợ cả. Nếu anh lên tiếng gọi đò, thì:

Bờ xa lúc nào cũng có tiếng người ơi
Tiếng đất nước cất lên cùng sóng vỗ
Nghe quen rồi mà mắt cứ rưng rưng

(1968)

Những năm ấy buồn vui riêng của mỗi người đều hòa trong tình cảm chung của cả đất nước. Trong lòng nhà thơ trẻ, cũng như nhiều bạn viết trẻ khác, chưa thấy và chưa biết những gì gọi là nghịch cảnh. Sự từng trải cá thể, những chiêm nghiệm cá nhân chưa có ở Lưu Quang Vũ lúc này. Anh yên tâm với cái chung và phấn đấu để hòa nhập, để được tan mình vào toàn thể.

Phần thơ Hương cây của Lưu Quang Vũ đã được bạn đọc hồi ấy yêu mến không phải vì những khám phá chân lý đời sống mà chủ yếu vì những cảm xúc tươi trong, tin cậy của anh, đặc biệt vì một giọng thơ rất đắm đuối. Ðắm đuối đó là một đặc điểm của suốt đời Lưu Quang Vũ. Vui hay buồn, tin cậy hay hoang mang… bao giờ anh cũng đắm đuối: Ðặc điểm này ít thấy ở các nhà thơ khác. Hình như từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thơ Việt Nam ta chuộng sự tỉnh táo, chắc khỏe, giầu chất liệu cụ thể của đời sống công nông binh, các nhà thơ thường sử dụng bút pháp hiện thực sáng rõ. Thơ có ít mê đi. Giọng thơ còn mang nhiều sự đắm đuối, trong kháng chiến chống Pháp, có lẽ chỉ thấy ở Nguyễn Ðình Thi trong tập Người chiến sĩ và Quang Dũng. Ngay Xuân Diệu nổi tiếng về say đắm ở giai đoạn trước, giờ đây cũng tỉnh táo nhiều, anh chủ trương chân chân chân thật thật thật. Vào những năm sáu mươi, một vài nhà thơ có uy tín đã bắt đầu kêu lên: thơ cần phải mê hơn. Mỗi người tìm một cách để mê. Có người mê và mộng hơn, nhưng còn nhiều người chưa mê được nên cái giọng say đắm, đắm đuối của Lưu Quang Vũ lúc ấy rất được mến chuộng. Những câu thơ của anh được nhà phê bình Hoài Thanh, vốn là người rất sành với cái mê đắm của thời Thơ mới trích khen đều là những câu thơ kết tinh sự đắm đuối. Tìm ra những yếu tố cấu thành cái chất đắm đuối này cũng là cách tìm ra bản chất thi pháp Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ đắm đuối không chỉ ở cách nói, ở thủ pháp diễn đạt mà còn ở cái cách cảm thụ đời sống của anh. Anh cảm thụ bằng cảm giác. Vốn nhạy cảm, anh nắm bắt thực tại bằng giác quan rất tinh tế và phong phú. Tôi có ấn tượng chính cảm giác là hạt nhân đầu tiên của cảm hứng thơ Lưu Quang Vũ. Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Tứ thơ như tự hình thành trong quá trình cảm thụ. Ðọc thơ Lưu Quang Vũ ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống HÒA QUYỆN THÚC ĐẨY NHAU TRONG CÁC CÂU THƠ DỒN DẬP. Ở CÁC BÀI THƠ DÀI: TIẾNG VIỆT, Viết cho em từ cửa biển; Ðất nước đàn bầu… rất dễ nhận ra đặc điểm này. Cảm hứng ấy đã tạo nên cái đắm đuối của thơ. Anh viết như trong một cơn say, như sự nhập đồng bất chấp cực đoan và phi lý trong chi tiết. Thế giới trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng. Giầu tưởng tượng nên mới mê đắm, mới thành đắm đuối. Trong thơ anh có cả cánh buồm đen của tên cướp bể, có ngọn lửa bập bùng người Âu Lạc múa trên châu thổ sông Hồng còn nguyên nếp phù sa. Có những đoạn thơ anh làm mê lòng ta như cổ tích. Tôi nghĩ đây chính là dấu ấn của năng khiếu thơ:

Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Ðoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương

(Trung Hoa, viết năm 1974)

Ðắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh. Anh sống như đuổi theo những yêu thích của lòng, đáp ứng những nhu cầu ở bên trong, ít đếm xỉa tới những quy ước của ngoại cảnh. Mải mơ mộng với đại dương nên có khi, anh đã mắc cạn ngay ở một lạch sông đào. Lưu Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên: ra bộ đội, nghề ngỗng chưa ra sao, xin mãi không được việc làm, hạnh phúc gia đình tan vỡ, con thì nhỏ, cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Những tiêu cực xã hội bắt đầu phát sinh. Anh lúng túng không phải chỉ vì nghèo mà chủ yếu vì hướng đi. Cảnh ngộ của anh là riêng biệt, nó không đại diện gì cho cả thế hệ thanh niên lúc đó do vậy những cảm nghĩ của anh khi ấy có thể ít đại diện cho thời cuộc, có thể không tiêu biểu cho số đông nhưng đích thực nó là nỗi lòng của một người. Nỗi lòng đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ nhuần chín. Ðây là giai đoạn sáng tác khá đặc biệt trong đời thơ Lưu Quang Vũ, chỉ khoảng hai năm, quãng 1971- 1972, nội dung khác với giai đoạn trước và cũng khác với giai đoạn sau. Giai đoạn này tâm hồn anh như già đi trong những nhận thức đau buồn về đời. Quả thật, hai mươi hai bài trong Cuốn sách xếp lầm trang mang rất nhiều dằn vặt, nhiều nghĩ ngợi chiêm nghiệm, có phấn đấu và cũng có thất vọng. Trong giọng điệu chung phấn khởi tự hào, cổ động đánh giặc hồi ấy tập thơ này quả có lạc điệu. Ðây là thơ được viết ra do một thúc bách nội tâm, từ cảnh ngộ cá thể của mình. Sự thành công của Lưu Quang Vũ bắt nguồn từ lẽ đó. Chúng ta đọc thơ cũng có sự cảm thông, đừng máy móc cào bằng, đòi hỏi thơ của ai cũng phải có một công dụng tức thì với xã hội. Thơ hay bao giờ cũng có công dụng, nhưng đấy là một công dụng xa, giúp cho sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách hình thành từ những chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này rất nhiều chiêm nghiệm. Anh nhìn và khái quát việc đời trên cảnh ngộ của anh. Anh thấy cuộc đời lúc đó sao lộn xộn như cuốn sách xếp lầm trang: chuyện đời trai gái tự tình lẫn với chuyện chia gia tài, chuyện án mạng, rồi lại sa mạc Gôbi, phu nhân đa tình, gián điệp triết gia, lái bò, số học… Có thể có một chút bi quan quá sớm, nhưng cũng đã thấy một cái gì như linh cảm trước thời cuộc. Mười bảy năm sau những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ cố nhiên chín chắn hơn, chừng mực hơn, nhưng rõ ràng nó đã được định hướng từ ngày ấy. Cái mạnh của hiện thực đã ngự trị khá sớm trong nhà thơ mơ mộng này. Mùi lá bưởi lá chanh nên thơ sẽ không bao giờ còn quay về tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn của chiến tranh nữa. Lưu Quang Vũ đã mang một cái nhìn khác và tìm mọi chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn trước của anh và khác với cả khuynh hướng chung của cả nền thơ. Thay vì sự ngọt ngào ca ngợi, là sự chất vấn rát bỏng:

Những tuổi thơ không có tuổi thơ
Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp
Chúng ăn cắp, đánh nhau, chửi tục
Lang thang hè đường tàu điện quán bia
Những bông hoa chưa nở đã tàn đi
Những cành cây chưa xanh đã cỗi

Sao mọi người có thể dửng dưng
Nhìn em đi trên đường tối
Mọi người đều có tội
Trước tuổi thơ đã chết của em.

(Những tuổi thơ, 1971)

Những điều trông thấy đã làm kết đọng trong lòng Lưu Quang Vũ một nỗi buồn ám ảnh, không dễ nguôi ngoai. Liên tưởng của anh, anh vốn giầu tưởng tượng, càng đắp thêm vào những cái, gọi bằng từ bây giờ là tiêu cực, một sắc độ bi thương hơn nữa. Có lúc anh đã chạm vào bế tắc:

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu!

Anh luôn luôn băn khoăn một câu hỏi Con người là gì đối với nhau. Sách vở đã dạy: Người với người là bạn. Thơ Tố Hữu cũng đã viết: Người yêu người sống để yêu nhau. Có nên tin ở mắt mình không hay tin theo niềm tin có sẵn. Nhiều nhà thơ hồi ấy đã chọn cách thứ hai, tiện và lợi. Nhưng cũng không ít người đã chọn cách thứ nhất. Ðau trong tâm hồn hơn, có khi còn khổ cả thân xác, nhưng nó đã có thơ  đích thực và với thời gian, những thơ này sẽ có ích thực sự, nó giúp vào sự hình thành những nhân cách lương thiện, vị tha. Cho nên khoan hãy lên án Lưu Quang Vũ khi thấy anh quá tuyệt vọng, tuyệt vọng đến hư vô chủ nghĩa. Ðộ lượng một chút sẽ thấy cái tuyệt diệu của thơ trong sự nâng đỡ của con người.

Trong vài năm ấy, Lưu Quang Vũ đã thấy được nhiều điều. Anh nhận thức xã hội sâu lên nhiều, nhất là anh nhận thức được chính anh, anh khám phá ra anh. Nỗi buồn của anh đi từ cảnh ngộ của anh nhưng ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều. Trong nỗi buồn ấy, thấy được số phận của dân ta và của con người nói chung.

Tôi khao khát yêu người
Mà không sao yêu được

Lời tự thú bi quan đó là một cách đấu tranh cho vẻ đẹp con người:

Ðiều anh tin không có ở trên đời
Ðiều anh có không giúp gì ai được
Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.

Trong lời than tuyệt vọng này bạn có đọc thấy một sự trưởng thành không? Những câu thơ buồn này đã có sức nâng đỡ những ai buồn cùng cảnh. Nhận ra cái vô tích sự của mình là bắt đầu để thành có ích. Tôi không thấy những câu thơ đắc chí về mình lại có thể nâng người ta lên được. Cái hay trong thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này có cái lắt léo như vậy.

Ðây là chưa nói tới một bước tiến dài về nghệ thuật thơ so với Hương cây. Tôi cho rằng đây là điểm đỉnh trong nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Sau này anh viết vui hơn, ấm áp hơn nhưng không tài hơn. Vốn hào hoa phóng túng trong ngôn từ nhưng lúc này Lưu Quang Vũ lại tìm đến sự giản dị, câu thơ bớt nhiều tính từ, thích dựng lại việc cụ thể. Cái tài của anh là ở chỗ từ những việc, những vật cụ thể anh làm bật lên được một cảm xúc, một nhận thức, một tâm trạng vốn rất khó diễn đạt khó nắm bắt:

Những chiếc xe tăng đi qua
Những khẩu súng đi qua
Những người lính đi qua
Chẳng có gì cùng ta ở lại

(Mặt trời trong nước lạnh, viết 6-1972)

Năm 1972 là năm chiến sự diễn ra ác liệt. Trong bốn câu thơ tôi trích, ba câu trên là ba việc thông thường của thời chiến, nhưng đến câu thứ tư bỗng làm rung chuyển chúng ta và chúng ta cảm thấy hết cái sức nặng của chiến tranh. Chẳng có gì cùng ta ở lại, đâu phải chỉ nói đến xe tăng, người lính, súng ống, còn nhiều thứ lớn lao hơn nữa. Lưu Quang Vũ từ một hoàn cảnh riêng của mình, đã lắng nghe được bản kết toán chiến phí mà đến nay nhiều người mới biết. Anh hiểu cái giá của những ngày cô đơn. Nỗi cô đơn của anh người ngoài không thấy, nhưng anh ý thức nó rất sâu và diễn đạt được tận cùng:

Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ
Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào
Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao.

(Mấy đoạn thơ, viết 1971)

Cô đơn và hồ nghi hết thảy, không biết nương tựa vào đâu. Muốn khát khao yêu người thì không sao yêu được. Muốn nương tựa vào tình yêu thì tình yêu tan vỡ.

Những kỷ niệm tuổi thơ mà cách đó vài năm anh hay chi chút quay về, bây giờ cũng không đủ an ủi anh nữa. Có lúc lòng anh thật hoang vắng thật rêu phong, cõi lòng của một người mới ngoài hai mươi tuổi. Mang cõi lòng ấy nhìn đổ vỡ chiến tranh. Lưu Quang Vũ có những câu thơ thật ấn tượng:

Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ

Sao hạt mưa có mầu đen. Ai biết? Chỉ biết nó gợi tro than, loạn lạc, ly tán.

Có lúc anh như kẻ bất đắc chí, cười khóc thảng thốt, nói năng văng mạng, rồi lại ngồi lặng xót xa. Thơ Lưu Quang Vũ lúc này có một sức chứa nội tâm rất lớn. Anh đã giúp cho chúng ta thấy một phía khác của chiến tranh, cái phía mà – vì cần cổ động cho chiến đấu – cả nền thơ đã phải nén lại và giấu đi. Ngày nay chiến tranh đã qua đi, kẻ thù cũ đang thành bè bạn mới, đọc lại những dòng thơ Lưu Quang Vũ chúng ta càng hiểu cái giá của tự do sau độc lập mà dân tộc đã phải trả. Thắng một cuộc chiến với Mỹ, đâu phải chuyện nhẹ nhàng. Chúng ta đã đọc những tổn thất về người về của, giờ đây chúng ta đọc thêm những tổn thất của tâm trạng. Và chúng ta hiểu rằng trong cõi người này, những vui buồn thật đa dạng. Trước một sự kiện, có thể có nhiều tâm trạng. Ngay một dạng thức tình cảm cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, trái ngược nhau. Trong một bài thơ mang cái tên rất dài Ðêm đông chí uống rượu với bác Lâm bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, các nhân vật gọi nhau bằng bác ấy đều chưa quá ba mươi tuổi và hình như lúc ấy họ đều không biết uống rượu. Lưu Quang Vũ chưa lúc nào nghiện rượu. Anh thích cái tư thế ngang tàng của các ông rượu và đọc được ở đấy những nỗi niềm thảng thốt xót đau của những cõi lòng bỏ ngỏ:

Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau.

Lưu Quang Vũ thuộc loại người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy một hiện tượng nào làm tim anh đau nhói anh đều viết thành thơ. Còn cái hiện tượng ấy là cá biệt hay phổ biến, là bản chất hay không bản chất anh dành cho các nhà lý sự kết luận. Anh muốn được trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Một chiều cuối năm 1972, không biết xuất xứ do đâu mà anh viết:

Cuộc chém giết lặng dần
Các dũng sỹ thân tàn ma dại
Ðập nát những cây đàn quý
Ngồi nướng thịt cóc ăn
Con mèo đi hai chân
Kêu lên tiếng trẻ khóc.

(Chiều cuối, viết 11-1972)

Chiến tranh lúc ấy đang găng và không ai biết bao giờ nó kết thúc. Những câu thơ này chỉ là dự cảm hậu chiến. Ðến nay, sau hơn mười năm chiến tranh kết thúc nhưng dự cảm ngỡ như quái gở ấy không phải là không có lý.

Nhiều nhận xét: Lưu Quang Vũ hay khinh bạc, thích giễu người. Quả có vậy thật, nhưng nếu ta lắng nghe chút nữa trong thơ anh, hình như khinh bạc chỉ là vỏ bọc nỗi lòng ấy. Thông thường ai có nỗi niềm sâu sắc thường hay che giấu, nhất là khi nỗi niềm ấy quá khác biệt với cái đa số. Lại là người hay giễu sự “trang trọng” của những “đau khổ vĩ đại”, Lưu Quang Vũ càng không muốn mình thành đề tài hài hước. Xót đau che giấu bằng cười cợt. Lưu Quang Vũ đang giao tiếp với mọi người kia là một Lưu Quang Vũ được quy ước. Chính vì vậy anh mới thấy cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ. Chính vì vậy khi đọc những bài thơ chưa in này của anh tôi mới có cảm giác như gặp một Lưu Quang Vũ khác. Lưu Quang Vũ ấy nói với con, lúc ấy cháu lên hai:

Con ơi con hãy tha thứ cho cha
Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
Ðời cha nắng gắt
Mẹ con cần suối mát của đồng vui
Con khôn lớn trên đời
Hãy yêu thương mẹ
Và hãy hiểu cho cha.

Ðó là lòng cha của ngàn đời và cũng là của tình cảnh riêng Lưu Quang Vũ. Giọng thơ, ý thơ dễ dàng, trân trọng, biết mình, biết người. Tôi chắc cháu Lưu Minh Vũ đọc lại những dòng này sẽ hiểu và vô cùng thương nhớ bố. Bài thơ Lưu Quang Vũ khóc thương khi cha anh qua đời, rồi những bài sau này anh viết tặng Xuân Quỳnh cũng trong một tâm trạng thành kính và biết ơn. Khinh bạc, giễu cợt không phải là chủ đạo trong tính cách anh. Nó chỉ là một nét, cái nét dễ bộc lộ sự thông minh ranh mãnh của anh. Sau này Lưu Quang Vũ đã sử dụng song song được cả lòng yêu kính trân trọng, nỗi xót đau bàng hoàng cùng với giọng giễu cợt KHINH BẠC TRONG MỘT THỂ LOẠI KHÁC – ĐÓ LÀ KỊCH. Ở ĐẤY, LƯU QUANG VŨ SẼ THĂNG BẰNG hơn, tỉnh táo hơn và đã được mến chuộng, được coi là tác giả ăn khách nhất, sung sức nhất. Nhưng tôi vẫn nghĩ với anh, thơ mới là chủ yếu vì nó nói được anh nhiều nhất và cũng nói được chuyện đời nhiều hơn. Có điều tiếng nói của thơ chỉ là những tín hiệu, người đọc phải diễn giải tín hiệu đó thành tiếng nói thường, nghĩa là khám phá cái bề sâu, cái bề xa của tâm trạng để hiểu hiện thực.

*

   Cảm hứng dân tộc, trong tiến trình lịch sử, trong vẻ hùng vĩ của đất đai, trong vẻ đẹp óng ánh của ngôn ngữ và nhất là trong đời sống làm lụng cực nhọc, trận mạc gian lao của người dân là một cảm hứng bền chắc trong thơ Lưu Quang Vũ. Ca ngợi hay phê khán GÌ, ANH CŨNG YÊU THƯƠNG THÀNH KÍNH, CẢM PHỤC, XÓT XA. Ở MẢNG THƠ NÀY CÓ những nhận thức chắt ra từ sách vở. Nhưng dù từ sách hay từ đời tất cả đều nhuyễn vào cảm xúc anh, thành cá tính thơ của anh. Và cái giọng thơ đắm đuối đến mê hoặc đã tạo nên nhiều đoạn thơ lôi cuốn, chất chồng hình ảnh lạ. Trong Ðất nước đàn bầu (viết trong năm 1972 và 1983) trí tưởng tượng phóng túng dắt Lưu Quang Vũ đi dọc lại con đường dân tộc đã đi từ hồng hoang đến bây giờ. Cái kỳ ảo hoang sơ. Những rìu đá cổ sơ, những hang động khổng lồ, những đống lửa còn tro tàn sót lại xen với nét trữ tình êm ả của làng mạc thanh bình Hoa móng rồng thơm ngát của những đêm hội làng truyền thống Thấy cô bán rượu ống quần cỏ may, rồi vẻ dữ dội của binh lửa: Bao đền đài bị đốt thành than – Bao cuốn sách bị quăng vào lửa – Bao đầu người bêu trên cọc gỗ… tạo nên một giai điệu phức hợp làm nền cho sự hình thành nhân cách dân tộc. Lưu Quang Vũ yêu thương và ngợi ca nhân cách ấy. Sự ngợi ca này của anh dễ lẫn vào giọng ca chung của cả nền thơ, nếu anh không biết cá thể hóa nó. Anh cá thể hóa bằng cảm giác của cái tôi bàng bạc suốt bài thơ và cá thể hóa bằng bút pháp, bởi cái tài hoa của Lưu Quang Vũ có nhiều nét cá biệt. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là họa sĩ:

Những con chim Lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

Ðặc biệt là sức gợi từ những chi tiết nhỏ bé đan vào các ý thơ như cái đêm nồng trong bốn câu vừa trích. Một chữ nồng đã phả vào đêm cái hơi hướng nhiệt đới còn nguyên sơ và khung cảnh trở nên phập phồng đầy sự sống. (Nhân tiện cũng nhận xét từ nồng – nồng nàn rất hay gặp trong thơ Lưu Quang Vũ – đó cũng là một chứng tích về kiểu cảm xúc của anh). Từ những bài thơ đầu tay đến những bài cuối cùng, câu thơ Lưu Quang Vũ bao giờ cũng khêu gợi, đánh thức vào hồn người đọc những kỷ niệm, những tưởng tượng của riêng họ. Chính đấy là chỗ tạo ra chất đắm đuối ở thơ anh. Dưới bút anh cảnh sắc bây giờ thường đẹp hơn lên, say đắm hơn lên:

Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông.

Với những bài thơ trong tập Mây trắng của đời tôi, Lưu Quang Vũ đã ra khỏi những dằn vặt cô đơn của thời kỳ Cuốn sách xếp lầm trang. Khuynh hướng cảm hứng nối lại được với Hương cây nhưng chắc chắn hơn… chứa đựng hơn, từng trải hơn. Anh không cực đoan như giai đoạn 1971- 1972, nhưng anh cũng không né tránh những nghịch cảnh chua chát của đời sống. Anh đã viết về nhà nghệ sĩ kịch câm người Pháp Marcel Marceau:

Anh có nhớ con người đùa bỡn
với cái mặt nạ cười
rồi không sao cởi được
đau đớn mệt nhoài kiệt sức
tuyệt vọng ôm vai, cái mặt vẫn cười.

Anh bình giá về nhân dân, ca ngợi tầm vóc vĩ đại hy sinh cao cả của những người dân vô danh và cũng thấy hết những nhược điểm của họ, thấy để xót thương. Ðây là một phạm trù khoa học lịch sử, đánh giá thái quá hay bất cập đều không nên. Lưu Quang Vũ đã có cái nhìn biện chứng.

Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc
Quang Trung trên bành voi, người cầm dáo xông lên phía trước
Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng
Bị lão trương tuần quát nạt cũng run.

Ðã bao nhiêu tiếng đoạn trường mới cũ cất lên từ đám đông gọi là nhân dân ấy. Ca ngợi dân mà thờ ơ với nỗi khổ của dân ta đã là một thứ sáo rỗng tệ hại của một thời văn chương chúng ta. Lưu Quang Vũ không bị trượt vào vết xe đổ ấy. Ðây cũng là một bước trưởng thành của anh so với thời Hương cây. Phải tự thấy, tự nghĩ thì ca ngợi hay âu lo mới có cơ sở mới thuyết phục. Văn chương như áo quần mỗi thời đều có “mốt” của nó. Có mốt “ngợi ca” lại cũng có mốt “xỉ vả”. Lưu Quang Vũ rất biết tâm lý công chúng nhưng anh không lạm dụng, ít nhất là ở thơ. Cùng với năm tháng của đời mình, những biến thiên của đất nước, anh có đổi thay nhiều quan niệm, nhiều cấp độ nhận thức. Những đổi thay ấy đều bắt nguồn từ trong anh.

Anh nghĩ lại về chiến tranh khi làm thơ cho Năm thế giới hòa bình. Giọng thơ bớt đi cái cay đắng rách xé vì anh đã thấy, đã tin hơn vào cái thiện, và vào con người của thế giới này.

Anh bằng lòng và chi chút với hạnh phúc đang có. Anh đã lập gia đình. Ðã có sự yên ổn trong hạnh phúc và trong nghề nghiệp. Vả lại trong sự phát triển của tâm hồn con người, tuổi lớn hơn người ta hãy nghĩ tới những điều nông gần nhưng thiết thực. Thơ Lưu Quang Vũ về sau bớt đi cái phóng túng ngang tàng nhưng lại thêm được cái ấm áp đời thường rất để thân với mọi người:

Không ôm được cả bầu trời lồng lộng
Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay
Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày
Không tới được một vì sao xa lắc
Nhưng có thể đến trong mùa cấy gặt
Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng
Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong
Và nhận hết niềm 
vui trên cõi sống.

Cốt lõi của tình cảm này chính là niềm lạc quan trần thế, là triết lý sống tích cực. Lưu Quang Vũ đã đi qua một chặng đường dài không êm ả gì để tới được nhân sinh quan ấy. Anh đang ở vào giai đoạn chín trong việc khám phá đời sống và sáng tạo. Anh đã tìm đến kịch là nơi có thể phô diễn trực diện hơn những khám phá của anh, là nơi anh có thể đóng góp được tích cực hơn vào việc xây dựng xã hội.

Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài của thời kỳ 71-72Nhưng thật ra nó rất liền mạch. Giai đoạn trước đã kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được bắt đầu từ câu thơ mất mát. Có mất mát mới biết giá trị của sự có lại:

Mùa gió mới có em tôi có lại
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng dội
Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya.

Lưu Quang Vũ đang sống những ngày đầy hào hứng. Anh viết rất nhiều, năng suất kỳ lạ. Niềm yêu đời tràn trong các câu thơ:

Ước chi được hoá thành ngọn gió
Ðể được ôm trọn vẹn nước non này
Ðể thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Ðể mát rượi những mái nhà nắng lửa
Ðể luôn luôn được trở lại với đời

Giữa lúc ấy, tai nạn ập đến. Mười hai tập thơ đã dàn ra chưa kịp viết đầy. Ðau xót qua rồi không nói lại. Cái gì đáng còn sẽ mãi mãi. Khen chê cũng có thể đổi thay. Ðiều gì anh tin anh cứ tin. Kinh nghiệm đời anh anh vùi trong những câu thơ, hôm nay chúng ta soi lại, mỗi người thể nghiệm với riêng mình. Tôi viết những dòng này để trò chuyện với anh, trân trọng những gì anh tặng lại chúng ta. Ðòi hỏi gì ở anh bây giờ cũng vô nghĩa.

4-1989

VŨ QUẦN PHƯƠNG

 TRÍCH tác phẩm:

… Mắt của trời xanh

Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh
mắt của phương xa, tay của đất nâu lành
người yêu như lửa và như lụa
bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ
Nắng cuối mùa đông, hoa chớm thu…

Bánh xe lăn bờ biển cát bao la
con ve xanh mưa rào ướt đẫm
đôi mắt to nóng bỏng
nói chi lời tàn nhẫn để anh đau?

Ru em bên bờ sâu
lòng đêm rừng thăm thẳm
mặt trời – chiếc mũ vàng chói sáng
nghiêng một ngày xuống ngủ ở vai em

Anh muốn làm cánh cửa để em quên
ngọn gió nhỏ trên trán em kiêu hãnh
làm cốc nước em cầm trưa nắng gắt
làm con đường quen thuộc để em qua

Vì em, anh viết những bài thơ
gương mặt ấy không gì thay được cả
mặc ai bảo tình yêu giờ đã cũ
như vầng trăng như ngọn thủy triều…

Anh vẫn dựng ngôi nhà theo quy luật của tình yêu
chẳng cần những lâu đài lạnh giá
chỉ tin nơi nào có em đến ở
chỉ sống bằng hơi thở của em thôi.

Tiếng Việt

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thỏi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chữ chưa viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
ÓNG TRE NGÀN VÀ MỀM MẠI NHƯ tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý âm thầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồn lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bể thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình…

Em vắng

Cốc nước trên bàn
quyển sách gập giữa trang
tấm gương soi vào khoảng trống
ngọn đèn soi gian phòng vắng
tấm áo em trên thành nghế im lìm
chiếc thìa con, lát chanh mỏng úa vàng
vài sợi tóc đen
vương trên chiếc lược…
những đồ vật lung linh dấu vết
của dịu hiền thân thuộc ngón tay em.

Chuyến xe ca lầm lũi bánh đầy bùn
một người đàn bà lên xe, ba-lô cũ bạc
tình yêu của anh ở sau cửa kính
tình yêu của anh đi với mùa hè

Anh về nhà, không có ai chờ
chiếc chìa khóa quay trong ổ khóa
chiều đã tắt thành đêm
người đã xa thành nhớ
vùng núi mây bao lá trắng xóa
mưa dài cỏ rậm thảo nguyên cao
Con đường về nơi ấy biết đâu
bây giờ thành khoảng cách
chợt thức dậy biết em không ở cạnh
Anh ra đường, thành phố không em
kẻ lẻ loi còn được lặng yên
anh như đứng trên gai, đi trên lửa
không đủ sức sướng vui hay buồn khổ
chỉ còn lại bậc cửa đợi chờ em.

Gió bồn chồn nhắc gọi bước chân quen
Em như thời khắc của anh
như dáng hình như trí nhớ
Phải xa em anh chẳng còn gì nữa
Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn.

… Và anh tồn tại

Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió
Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
Như người làm vườn, như người dệt vải
Ngày của đời thường thành ngày – ở – bên – em
Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng, chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi
Giữa thế giới mong manh nhiều biến đổi
“Anh yêu em và anh tồn tại”.

Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng
Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương
Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại
Em ở đấy, bàn tay tin cậy
Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày
Ðôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa
Ngọn đèn sáng rụt rè trên cửa sổ
Ðã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ
Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao.

1976

Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…

Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối
Ðường đã hết trước biển cao vời vợi
Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn
Gió đã dừng nơi cuối chót không gian
Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên
Anh vẫn chưa nói được cùng em
Bài hát ấy vẫn còn là dang dở
Chưa hiểu được mùi thơm của lá
Chưa nghe xong tiếng hót của chim rừng
Yêu thương hoài vẫn chưa đủ yêu thương
Ôi nếu phải tan thành bụi cát
Thành hư vô, không khí trời, không ánh sáng
Chỉ rỗng không, câm lặng, vô hình
Sẽ ở đâu, bài hát ấy của anh
Gương mặt của hôm nay ơi, em của những ngày đang sống?

Không ôm được cả bầu trời lồng lộng
Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay
Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày
Không tới được một vì sao xa lắc
Nhưng có thể đến trong mùa cấy gặt
Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng
Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong
Và nhận hết niềm vui trên cõi sống
Mũi kim nhỏ mà chiều mau tắt nắng
Có sao đâu: áo đẹp đã xong rồi
Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay
Ta đã có những ngày vui sướng nhất
Ðã uống cả men nồng và rượu chát
Ðã đi qua cùng tận của con đường
Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên:
Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt.

Lý thương nhau

Con cá rô nằm vũng chân trâu
Ðồng mưa nước trắng
Bàn tay em mát lạnh
Bây giờ đâu

Ngón tay xanh xao
Nắng chiều kẽ lá
Ngón tay gầy nhánh mạ
Anh không còn nắm nữa
Bây giờ đâu

Lý thương nhau
Câu hát chiều đông trước
Gà con cỏ ướt
Chân vang run run

Ðã trót thương em
Làm sao xa được
Thôi em đừng khóc nữa
Ðường dài nắng chang

Muốn bỏ đi tất cả
Mặc trống đánh ngũ liên
Mặc quan sai xuống thuyền
Vứt bao vàng bẻ giáo
Anh ở lại cùng em

Nếu đường đừng xa thế
Nếu em chẳng mạ xanh lá bé
Nếu anh không giếng thẳm rơi gầu

ích chi đâu
Ðành ngoảnh mặt cúi đầu
Thôi đừng thương mến nữa
Thôi tiếng hát chớ nghẹn ngào trong gió
Lý thương nhau…

(Rút trong tập “Bầy ong trong đêm sâu”, Nhà xuất bản Hội nhà văn)

Nơi ấy

Ở NƠI ẤY CÓ MỘT ĐỒI MUA TÍM
Có con đường đất mịn mát chân đi
Ở NƠI ẤY CÓ MỘT RỪNG BƯỞI chín
Có người em bé nhỏ ngóng ta về

Tia nắng hạ sáng bừng trên lá cọ
Chim chào mào ăn hạt dẻ mùa thu
Rơm khô ủ những quả hồng chín đỏ
Ngọn gió chiều, hoa sở trắng như mưa.

Ở NƠI ẤY, SUỐI THÀNH SÔNG thành lũ
Xuyên qua rừng, ngập ướt cả bờ lau
Ðèn nhựa trám tinh mơ em nhóm lửa
Sương mịt mù trước cửa, thấy em đâu

Gương mặt ấy, nụ cười bên lửa thắm
Quả doi rừng trong nón để phần nhau
Ở NƠI ẤY VỊ MĂNG VẦU CHẲNG đắng
Củ sắn lùi ống nứa vẫn thơm lâu.

Hoa chẳng sớm và trái không quá muộn
Xuân không nhanh và đông chẳng kéo dài
Mỗi khóm lá hương rừng bí mật
Nắng dong vàng thung lũng tiếng ong bay

Tôi đã đi qua đường xa tít tắp
Bao mùa đông mùa hạ đã trôi qua
Bao cửa bể, xóm thôn, thành phố rộng
Một vùng quê nơi ấy ngỡ phai nhòa

Nếu em biết những gì tôi đã sống
Những buồn vui tôi đã có trong đời
Nếu em biết bây giờ tôi khác lắm
Buổi cùng em kiếm củi ven đồi?

Người ta bảo cả em giờ cũng khác
Ðã con bồng con dắt, nhớ chi tôi…
Có sao đâu: trái mùa thu vẫn thắm
Mây mùa thu vẫn trắng những chân trời

Nếu em biết rằng tôi, tôi vẫn nhớ
Vẫn là con suối lũ của rừng xưa
Con tu hú dưới lùm hoa chuối đỏ
Ngọn lửa hồng em ủ giữa chiều mưa?

Vẫn nguyên vẹn những quả rừng thơ dại
Ðã dạy tôi biết chia ngọt sẻ bùi
Vầng trăng lớn mọc lên từ phía ấy
Ngọn gió rừng vẫn thổi giữa hồn tôi.

Bầy ong trong đêm sâu

Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Ðêm sâu quá, đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời
Ðợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy
Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy
Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong xanh có đôi mắt đen
Con ong trắng bơ vơ trong tổ vắng
Con ong đỏ là con ong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu
Ðã chết rồi ơi chú ong nâu
Ðể hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn

Anh là con ong bay giữa trời lận đận
Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao
Em ở đâu em ngủ ở phương nào
Môi em thở những điều gì khe khẽ?
Em, em gần hay em xa thế nhỉ
Ðến bất ngờ lóa nắng giữa lòng đau
Anh có hẹn đâu anh chả nói câu nào
Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết?
Tóc em dài như một ngày mỏi mệt
Em đợi chi anh, em cần chi anh?
Anh đợi chờ em, không đợi sao đành?
Ðêm như biển không bờ bóng tối rất thẳm sâu
Ðời cũng giống như biển kia anh lại giống con tầu

Tầu anh đi đi hoài trên biển vắng
Mong tìm được một bóng hình bè bạn
Ðến bây giờ anh gặp được tầu em
Anh mở gió tâm hồn cho buồm thắm kéo lên
Ai ngờ tầu em lại là tầu cướp biển
Em cướp hết cuộc đời anh, em lấy hết
Trói anh vào cột buồm của tình yêu
Bão táp nổi lên, chớp giật, tầu xiêu
Em đứng đó hãi hùng ngơ ngác
Anh cũng thương em suốt đời trên sóng nước
Cướp được tầu anh tưởng có ngọc vàng
Ngờ đâu chỉ là ván nát sàn hoang
Còn trơ lại hồn thơ tai ác quá

Nhưng thôi em ơi đấy chỉ là lời ru trong giấc ngủ
Anh thương em đây anh lại êm đềm
Làm con ong vàng đến ngủ giữa tóc em
Con ong xanh có đôi mắt đen
Con ong trắng là con ong thương nhớ
Con ong đỏ chính niềm tin ấp ủ
Còn hạnh phúc cuối cùng là tiếng hát chú ong nâu.

Vườn trong phố

Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra

Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi

Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
Một hạt nhỏ mơ hồ trên má
Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá?
Suốt cuộc đời chẳng hiểu vì sao…

Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa…

Nơi vòm lá rì rào xáo động cơn mưa
Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến
Những chân trời mầu hồng những chân trời mầu tím
Những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Sẽ sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.

Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa.

Ðến bây giờ đánh giặc anh đi xa
Nhìn lại mảnh vườn xưa thấp hẹp
Biết bao điều anh còn chưa nói được
Rối rít trong lòng mỗi nỗi em em.

Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
Vườn không níu được bước chân trở lại
Nhưng lá còn che mát suốt đời anh.

Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.

1967

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hãy tin tưởng mọi người

Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

Anh bán vải

Một hôm có một anh bán vải đi ngang qua một kiểng chùa xiêu vẹo, hoang tàn. Anh ngồi than thở, cảm thấy có tội lớn đối với Phật Trời. Trong chùa có tên ác tăng rình nghe được. Hắn bàn tán với anh bán vải: Anh nên giúp của để tu bổ chùa...

Ông Nghè hoá cọp

Ngày x­ưa, ở một làng kia, có một thanh niên bố chết từ hồi hắn còn nhỏ và để lại cho hắn một gia sản khá lớn. Hắn dư­ của ăn học, th­ường nói với mọi ng­ười trong làng: “Thầy tôi khi xư­a làm một chức quan nhỏ; tôi nhất...

Cong, nhưng đừng gãy

Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc...

Vòng đá và cuộc sống

Truyện kể rằng, ngày đó trên một con đường làng, người ta bắt gặp một chiếc vòng bằng đá đang lăn đi một cách chậm rãi và mệt nhọc bởi chiếc vòng bị mẻ mất một miếng nhỏ. Nó bị bỏ quên nên quyết định đi tìm mảnh vở của...

Một điều gì đó đặc biệt

“Tôi phải làm điều gì đặc biệt cho cô ấy. Sẽ không liệng đồ lung tung để vợ tôi khỏi cằn nhằn. Một việc gì đó khác thường, một điều gì đó mà bình thường tôi chưa làm cho vợ tôi”, hai hàng nước mắt tuôn rơi trên khuôn...

Bước ngoặt

Sau hai mươi lăm năm sống chung, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi tan vỡ, và anh ấy đã dọn đi khỏi căn nhà nơi con gái của chúng tôi được sinh ra và lớn lên. Dù sao thì mọi chuyện cũng trở nên đơn giản hơn nhiều khi mà con gái tôi đã bước...

Hai bát mì bò

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai...

Đồng hồ đo Km cuộc đời

Một số người nói cuộc đời là một đại lộ. Đó cũng là một ý hay để nhìn về cuộc đời. Tôi tưởng tượng tôi đang chạy trên con đường của cuộc đời tôi với vận tốc 60 dặm/giờ. Mỗi phút đi được một dặm. Ước chừng tôi...

Bài viết mới

Hãy tin tưởng mọi người

0
Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

Anh bán vải